Để thực hiện giao dịch hiệu quả trên các sàn giao dịch thì các trader không thể bỏ qua các chỉ báo. Bằng cách áp dụng và tính toán dựa vào chỉ số thì việc giao dịch trở nên đơn giản hơn. Có rất nhiều loại chỉ số và chỉ báo mà mình đã chia sẻ trước đây thì hôm nay chúng ta sẽ đến với chỉ số RSI hay còn gọi là đường RSI.
Trong bài này mình sẽ cùng các bạn tìm hiểu các nội dung sau:
- Chỉ số RSI là gì?
- Cách cài đặt chỉ số RSI trên các sàn giao dịch
- Cách tính RSI và các tín hiệu giao dịch với chỉ số RSI
- Cách sử dụng chỉ số RSI trong giao dịch
- Những lưu ý mà bạn cần nắm khi giao dịch với RSI
Bắt đầu tìm hiểu ngay nhé!
Chỉ số RSI là gì?
RSI (Relative Strength Index) hay chỉ số sức mạnh tương đối là một chỉ báo động lượng đo lường tốc độ biến động của giá. Chỉ số RSI đi lên (tăng) cho thấy tài sản đó đang tích cực được mua trên thị trường. Chỉ số RSI đi xuống (giảm) cho thấy sự quan tâm của các nhà giao dịch đối với tài sản đó đang chậm lại và họ có xu hướng sẽ bán đi.
RSI cũng là một chỉ báo dao động giúp các trader dễ dàng phát hiện các tình trạng quá mua hoặc quá bán trên thị trường. Nó đánh giá giá tài sản trên thang điểm từ 0 đến 100 trong các giai đoạn thời gian lấy con số 14:
- Khi RSI có điểm nằm dưới mức 30, nó cho biết giá tài sản có thể gần chạm đáy (quá bán) và có khả năng sẽ tăng.
- Khi RSI có điểm nằm trên mức 70, nó cho biết giá tài sản gần mức đỉnh (quá mua) trong khoảng thời gian đó và có khả năng sẽ giảm.
Cài đặt chỉ số RSI trên TradingView và Binance
Để cài chỉ báo RSI trên bất kỳ nền tảng nào, điều đầu tiên bạn cần làm là tạo tài khoản, đăng nhập và vào chart! Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cài đặt chỉ báo RSI trên TradingView và sàn giao dịch Binance.
Tradingview
Như mình đã nói, bạn cần biết về TradingView sau đó đăng ký tài khoản và vào chart. Khi đã vào chart, bạn hãy làm theo 3 bước sau:
- Click vào biểu tượng Fx ở thanh trên cùng.
- Ở khung tìm kiếm, bạn hãy điền vào chữ “RSI“.
- Sau khi ra kết quả, click vào dòng đầu tiên “Chỉ số sức mạnh tương đối“.
Như vậy bạn đã cài xong chỉ báo RSI. Khi tắt khung này chỉ báo sẽ xuất hiện dưới giá.
Sàn giao dịch Binance
Hiện nay, Binance được xem là một sàn giao dịch tiền điện tử tập trung lớn nhất thế giới. Cách đăng ký tài khoản trên Binance khá phức tạp và đòi hỏi xác minh danh danh tính nhiều bước. Do đó bạn cần xem hướng dẫn cách đăng ký tài khoản chi tiết tại đây.
Sau khi đăng nhập và vào chart của Binance bạn hãy làm theo 3 bước sau:
- Click vào biểu tượng gần khung thời gian có hiện lên chữ “Chỉ báo kỹ thuật“.
- Thông thường Binance sẽ dùng chỉ báo MA & VOL là 2 chỉ báo mặc định. Nên bạn chỉ cần click vào để xoá đi.
- Sau đó click vào chữ RSI để cài đặt chỉ số RSI cho chart.
Bên cạnh đó, chỉ báo RSI trên Binance có set up khác với Tradingview nên nếu không xài quen bạn đó thể click vào chữ “Tradingview” bên góc phải để chuyển hẳn về Tradingview nhé!
Công thức tính chỉ số RSI
Công thức tính RSI:
RSI = 100 – 100/(1 + RS)
Trong đó:
RS = Σ(giá tăng)/Σ(giá giảm) – Trung bình giá tăng/Trung bình giá giảm
Cấu tạo của chỉ số RSI gồm 2 phần:
- Đường RSI được tính như đã nói ở trên và sẽ duy chuyển lên xuống trong khoảng từ 0 đến 100.
- 2 đường biên trên và dưới (mặc định là ở 30 và 70).
Mặc định ban đầu, chỉ số RSI sẽ tính toán trong giai đoạn thời gian 14 chu kỳ (14 ngày theo đồ thị hàng ngày, 14 giờ theo biểu đồ hàng giờ,…):
- Bạn có thể thay đổi các thông số của chỉ báo này bằng cách click vào logo bánh xe ở bước 1.
- Điều chỉnh để tăng độ nhạy (giảm chu kỳ xuống ngắn hơn) hoặc giảm độ nhạy (tăng chu kỳ lên dài hơn) bằng cách tăng hay giảm chiều dài ở bước 2. Ví dụ: RSI 7 ngày sẽ nhạy cảm hơn với RSI 21 ngày.
- Các thiết lập giao dịch ngắn hạn có thể điều chỉnh đường biên quá mua xuống 20 và quá bán lên 80 (thay vì 30 và 70) để hạn chế các tín hiệu nhiễu thiếu chính xác ở bước 3.
Các tín hiệu của chỉ số RSI
RSI quá mua (Overbought)
RSI nằm trên 70 (từ 70 đến 100) báo hiệu thị trường đang quá mua và sắp giảm giá. Điều này thường xảy ra trong một xu hướng tăng và báo hiệu thị trường sắp điều chỉnh giảm giá hay đảo chiều xu hướng từ tăng thành giảm.
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn nhận được các tín hiệu quá mua mạnh hơn thì có thể điều chỉnh đường biên mức quá mua lên 80 – 100. Điều này cũng giúp giảm các tín hiệu quá mua nhiễu, có độ tin cậy thấp. Trong phần sau mình sẽ trình bày rõ hơn về cách giao dịch khi RSI vào vùng quá mua.
RSI quá bán (Oversold)
RSI nằm dưới 30 (từ 0 đến 30) báo hiệu thị trường đang quá bán. Điều này thường xảy ra trong một xu hướng giảm, và báo hiệu thị trường sắp điều chỉnh tăng giá hay đảo chiều xu hướng từ giảm thành tăng.
Bên cạnh đó, nếu bạn muốn nhận được các tín hiệu quá bán mạnh hơn thì có thể điều chỉnh đường biên mức quá bán lên 0 – 20. Điều này cũng giúp giảm các tín hiệu quá bán nhiễu, có độ tin cậy thấp. Trong phần sau mình sẽ trình bày rõ hơn về cách giao dịch khi RSI vào vùng quá bán.
Phân kỳ RSI (Divergence)
Bên cạnh các mức RSI 30 và 70 cho thấy tình trạng quá bán và quá mua trên thị trường, RSI còn có thể dùng để dự đoán xu hướng đảo chiều hoặc xác định các mức hỗ trợ – kháng cự thông qua việc xác định phân kỳ.
Phân kỳ là sự di chuyển ngược hướng giữa giá và RSI (được xác định thông qua các đỉnh đáy).
Ví dụ:
- Giá tăng tạo đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ nhưng RSI lại giảm tạo đỉnh mới thấp hơn đỉnh cũ.
- Giá giảm tạo đáy mới thấp hơn đáy cũ nhưng RSI lại tăng tạo đáy mới cao hơn đỉnh cũ.
Đây là hai tín hiệu phân kỳ cơ bản nhất, còn một số tín hiệu phân kỳ khác nâng cao hơn mình sẽ nói chi tiết trong phần cách giao dịch với chỉ báo RSI dưới đây.
06 cách sử dụng chỉ số RSI trong crypto
Xác định một xu hướng tương lai
Đường RSI có thể dự báo một xu hướng mới theo cách sau:
- Xu hướng tăng: Khi RSI nằm trên ngưỡng 50.
- Xu hướng giảm: Khi RSI nằm dưới ngưỡng 50.
Ở trường hợp này, ngưỡng 50 có thể xem như một hỗ trợ kháng cự cứng của RSI – khi RSI break ngưỡng 50 sẽ có xu hướng đảo chiều. Ngược lại, nếu RSI chạm đường này rồi đảo chiều sẽ có xu hướng tiếp diễn.
Hình dưới đây cho thấy khi RSI nằm dưới ngưỡng 50 (vùng màu đen) sẽ là xu hướng giảm, RSI nằm trên ngưỡng 50 (vùng màu cam) sẽ là xu hướng tăng.
Giao dịch khi có tín hiệu quá bán – quá mua
Với phương pháp giao dịch này, chúng ta sẽ hành động dựa trên tín hiệu của RSI:
- Tín hiệu quá bán (RSI < 30) ⇒ BUY vì giá sẽ có xu hướng tăng khi RSI tiến vào vùng quá bán.
- Tín hiệu quá mua (RSI >70) ⇒ SELL vì giá sẽ có xu hướng giảm khi RSI tiến vào vùng quá mua.
Tín hiệu phân kỳ (thường) đảo chiều
Ở xu hướng tăng ⇒ Xét đỉnh:
- Xu hướng tăng sẽ có đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng chỉ báo RSI lại cho tín hiệu ngược lại khi đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước.
- Khi đó giá sẽ có xu hướng đảo chiều từ tăng thành giảm.
Ở xu hướng giảm ⇒ Xét đáy:
- Xu hướng giảm sẽ có đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng chỉ báo RSI lại cho tín hiệu ngược lại khi đáy sau cao hơn đáy trước.
- Khi đó giá sẽ có xu hướng đảo chiều từ giảm thành tăng.
Tín hiệu phân kỳ (ẩn) tiếp diễn
Đối với phân kỳ ẩn, các phương pháp được sử dụng sẽ trái ngược với phân kì thường.
Ở xu hướng tăng ⇒ Xét đáy:
- Xu hướng tăng sẽ có đáy giá sau cao hơn đáy giá trước, nhưng chỉ báo RSI lại cho tín hiệu ngược lại khi đáy sau thấp hơn đáy trước.
- Khi đó giá sẽ có xu hướng tiếp diễn xu hướng tăng hiện tại.
Ở xu hướng giảm ⇒ Xét đỉnh:
- Xu hướng giảm sẽ có đỉnh giá sau thấp hơn đỉnh giá trước, nhưng chỉ báo RSI lại cho tín hiệu ngược lại khi đỉnh sau cao hơn đỉnh trước.
- Khi đó giá sẽ có xu hướng tiếp diễn xu hướng giảm hiện tại.
Tín hiệu BUY, SELL bằng đường xu hướng
Chỉ báo RSI có điều đặc biệt là sẽ di chuyển theo xu hướng. Vẽ đường xu hướng trên RSI sẽ có tín hiệu buy, sell sớm hơn đường xu hướng trên giá khá nhiều.
Để vẽ đường xu hướng trên RSI, đầu tiên phải vẽ đường xu hướng trên giá, sau đó bạn đối chiếu xuống RSI để có một đường xu hướng phù hợp.
Buy hoặc Sell khi RSI break đường xu hướng trên RSI. Đây là phương pháp theo mình đánh giá là hiệu quả cao. Tuy nhiên khuyết điểm là phải luyện tập thường xuyên để vẽ đường xu hướng chuẩn.
- Xu hướng tăng – vẽ qua các đáy. Qua đó, mình có vị trí Sell trên RSI khá sớm (gần như ngay đỉnh) so với vị trí Sell theo đường xu hướng trên giá.
- Xu hướng giảm – vẽ qua các đỉnh. Qua đó, mình có vị trí Buy trên RSI khá sớm so với vị trí Buy theo đường xu hướng trên giá.
Sử dụng đa khung thời gian
Đây là phương pháp xác định xu hướng khung lớn hơn và tìm điểm vào lệnh ở khung nhỏ. Việc áp dụng đa khung thời gian giúp bạn có cái nhìn tổng quát hơn về một coin, biết được xu hướng dài hạn, tránh đánh ngược xu hướng. Vào khung nhỏ sẽ tìm được entry đẹp cũng như kịp thời phản ứng với các biến động từ thị trường.
Khi giao dịch trên khung thời gian H4, thì bạn cần vào khung D để xác định xu hướng. Tương tự nếu giao dịch khung H1 thì vào H4 xác định xu hướng.
Ví dụ:
Đường RSI xuất hiện tín hiệu phân kỳ đảo chiều từ giảm thành tăng ở khung D. Lúc này, bạn không nên BUY ngay vì khung D biên độ dao động khá cao. Thay vào đó, bạn hãy vào khung H4 để tìm điểm vào lệnh hợp lý hơn. Có thể sử dụng bất kì phương pháp nào (hỗ trợ, trendline hay mô hình nến đảo chiều,..). Khi đó bạn có thể tối ưu lợi nhuận của mình và hạn chế thua lỗ đáng kể.
- Khung D BTC có xuất hiện phân kỳ đảo chiều trên chỉ báo RSI nên mình vào khung H4 tìm vị trí đẹp để BUY.
- Khung H4 mình thấy giá đã tăng một khoảng khá cao và RSI sắp tiến vào vùng quá mua. Nếu mua ở vị trí này khả năng mình sẽ “đu đỉnh”. Nên tạm thời sẽ theo dõi vẽ hỗ trợ cho BTC và chờ hồi.
- BTC hồi về và chạm hỗ trợ và chỉ báo RSI tiến vào vùng quá bán. Vì vậy mình sẽ BUY ở vị trí này.
- Kết quả là vị trí mình mua được thấp hơn 5% so với giá ban đầu lợi nhuận đạt được là 30%. Không những vậy, vị trí BUY của mình có thể hạn chế bị quét stoploss hơn so với vị trí ở khung D.
06 lưu ý khi sử dụng chỉ số RSI
Mình đã tham gia vào thị trường Crypto, tìm hiểu và dùng phân tích kỹ thuật trong giao dịch được hơn 3 năm. Trong quá trình sử dụng RSI mình có đúc kết được một số kinh nghiệm cũng như lưu ý cho các bạn để tránh được các sai lầm:
- Không nên chỉ dùng tín hiệu quá bán, quá mua để giao dịch. Vì vùng quá bán (0 – 30), quá mua (70 – 100) nên nhiều trường hợp RSI di chuyển trong vùng này một thời gian trước khi đảo chiều hẳn.
- RSI là một chỉ báo nhanh và cho tín hiệu sớm, nên sẽ cho bạn các điểm entry, chốt lời tương đối sớm. Do đó sẽ cho tín hiệu nhiễu khá nhiều, bạn cần luyện tập nhiều để loại đi các tín hiệu nhiễu.
- Phân kỳ RSI sẽ chính xác hơn khi một trong hai đáy (hoặc đỉnh) phân kì thuộc vùng quá bán (hoặc quá mua).
- Phân kỳ RSI không đáng tin cậy khi thị trường có xu hướng mạnh. Khi thị trường đang tăng hoặc giảm quá mạnh, các tín hiệu phân kỳ đảo chiều gần như vô dụng. Không nên đánh ngược xu hướng ở thời điểm này. Thay vào đó bạn có thể chờ tín hiệu phân kỳ (ẩn) tiếp diễn để đánh theo xu hướng đó.
- Các phân kỳ RSI sẽ phù hợp hơn với các thị trường ít biến động (có các chuyển động đi ngang hoặc các xu hướng không rõ ràng).
- Khi giá xuất hiện phân kì (thường) đảo chiều và theo sau là tín hiệu phân kỳ (ẩn) tiếp diễn, lúc này phân kỳ ẩn sẽ chính xác hơn, bạn nên ưu tiên đánh theo phân kỳ ẩn.
Ngoài sử dụng riêng chỉ số RSI, thì bạn cũng có thể kết hợp chỉ số RSI và MACD.
Tổng kết
Vừa rồi mình đã giới thiệu với các bạn tất cả kiến thức về chỉ số RSI là gì và Cách sử dụng chỉ số RSI sao cho hiệu quả. Hy vọng các bạn có thể áp dụng được vào trong quá trình giao dịch của mình.
Series học tập này dành cho các bạn vừa mới bắt đầu tìm hiểu về chỉ báo RSI cũng như phân tích kỹ thuật có thể dễ dàng đọc hiểu và ghi nhớ.
Và để có thể cập nhật những tin tức mới nhất, các phân tích nâng cao về thị trường hiện tại, hãy cùng tham gia cộng đồng Wolf Capital nhé. Chúc anh em thành công!
Để Lại Phản Hồi