15 Tháng mười, 2024
Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Mây Ichimoku là gì? Cách sử dụng chỉ báo mây Ichimoku hiệu quả nhất

Thông thường để có được một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh chúng ta cần kết hợp nhiều chỉ báo lại. Nhưng với mây Ichimoku thì ngược lại vì nó có thể hoạt động độc lập và cho các tín hiệu mua bán chuẩn xác và không cần sự hỗ trợ của bất kì chỉ báo nào khác. Vậy chỉ báo mây Ichimoku là gì? Cách sử dụng như thế nào?

Để có thể rõ hơn về chỉ báo Ichimoku này hãy cùng mình tìm hiểu bài viết với các nội dung:

  • Mây Ichimoku là gì?
  • Hướng dẫn cài đặt chỉ báo Ichimoku trên các sàn
  • Cấu tạo và ý nghĩa của Ichimoku
  • Hướng dẫn sử dụng Ichimoku trong giao dịch
  • Những lưu ý mà bạn cần nắm khi dùng Ichimoku Cloud

Mây Ichimoku là gì?

Mây Ichimoku là tên gọi ngắn gọn của chỉ báo Ichimoku Kinko Hyo là một phương pháp phân tích kỹ thuật, phương pháp này kết hợp nhiều chỉ báo trong cùng một biểu đồ. Được sử dụng trên các biểu đồ hình nến như một công cụ giao dịch để giúp người dùng thấu hiểu các vùng giá hỗ trợ và vùng giá kháng cự tiềm năng.

Mây Ichimoku cũng được sử dụng như một công cụ dự đoán. Nhiều nhà giao dịch sử dụng phương pháp Ichimoku này để xác định các chỉ dẫn xu hướng trong tương lai và động lượng thị trường.

Người đã tạo ra hệ thống giao dịch Ichimoku Indicator này chính là một nhà báo người Nhật Bản – Goichi Hosoda. Ông có một niềm đam mê vô cùng lớn với biểu đồ nến Nhật từ khi còn rất bé. Với sự nỗ lực không ngừng, ông đã trở thành Tổng giám đốc của tờ báo Miyako (nay là tờ Tokyo), tờ báo kinh tế – tài chính lớn nhất Nhật Bản thời bấy giờ.

Với tính linh hoạt của mình, Ichimoku nhanh chóng trở thành chỉ báo được sử dụng tại hầu hết các phòng giao dịch Nhật Bản thời bấy giờ và ngày nay. Nó cũng trở thành hệ thống giao dịch yêu thích của rất nhiều trader chuyên nghiệp trên nhiều thị trường tài chính khác nhau như chứng khoán, forex, tiền điện tử…

Cài đặt Ichimoku trên TradingView và Binance

Nếu bạn đã hiểu được Ichimoku là gì rồi thì hãy đến bước cài đặt Ichimoku Cloud trên các nền tảng giao dịch.

Để cài chỉ báo Ichimoku trên bất kỳ nền tảng nào, điều đầu tiên bạn cần làm là tạo tài khoản, đăng nhập và vào chart! Trong bài viết này, mình sẽ hướng dẫn cài đặt chỉ báo Ichimoku trên Tradingview và sàn giao dịch Binance.

Tradingview

Như mình đã nói, bạn cần biết về TradingView và đăng ký tài khoản. Sau khi đăng ký xong bạn click vào “Biểu đồ” để vào chart phân tích.

Cài đặt Ichimoku Indicator trên Tradingview
Cài đặt Ichimoku Indicator trên Tradingview

Khi đã vào chart, bạn hãy làm theo 3 bước sau:

  • Click vào biểu tượng Fx ở thanh trên cùng.
  • Ở khung tìm kiếm, bạn hãy điền vào chữ “Ichimoku“.
  • Sau khi ra kết quả, click vào dòng đầu tiên (hoặc dòng nhiều like nhất).
Cài đặt chỉ báo Ichimoku
Cài đặt chỉ báo Ichimoku

Như vậy bạn đã cài xong chỉ báo Ichimoku. Khi tắt khung này chỉ báo sẽ xuất hiện dưới giá.

Sàn giao dịch Binance

Hiện nay, Binance được xem là một sàn giao dịch tiền điện tử tập trung lớn nhất thế giới. Cách đăng ký tài khoản trên Binance khá phức tạp và đòi hỏi xác minh danh danh tính nhiều bước. Do đó bạn cần xem hướng dẫn cách đăng ký tài khoản chi tiết tại đây.

Do giao diện chính của Binance không có chỉ báo Ichimoku nên để sử dụng chỉ báo Ichimoku trên Binance. Sau khi đăng nhập và vào chart của Binance, bạn hãy click vào chữ “Tradingview” bên góc phải để chuyển hẳn về Tradingview.

Cài đặt Ichimoku trên Binance
Cài đặt Ichimoku trên Binance

Cấu tạo của chỉ báo Ichimoku Cloud

Hệ thống mây Ichimoku cấu tạo từ 5 thành phần và cung cấp cho người dùng một bức tranh tổng thể về thị trường. 5 thành phần này bao gồm:

  • Đường Tenkan Sen (đường chuyển đổi).
  • Đường Kijun Sen (đường cơ sở).
  • Đường Chikou Span (đường trễ).
  • Đường Senkou Span A (Lead 1).
  • Đường Senkou Span B (Lead 2).
Cấu tạo chỉ báo Ichimoku Cloud
Cấu tạo chỉ báo Ichimoku Cloud

Nhận biết xu hướng: Cả 5 đường này đều đóng vai trò như một đường trung bình di động:

  • Giá nằm trên: thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Giá nằm dưới: thị trường đang trong xu hướng giảm
  • Giá giao cắt thường xuyên: thị trường đang trong xu hướng đi ngang.

Tenkan-Sen – Đường Chuyển đổi

Đường Tenkan-Sen được thể hiện bằng đường màu xanh lục trên chart còn được gọi là đường chuyển đổi.

Tenkan-Sen = (High + Low)/2, Chu kỳ 9

Tương tự với cách tính của Kijun-Sen, nhưng thay vì chu kỳ 26 thì đường Tenkan-Sen được tính với chu kỳ ngắn hơn là 9.

Tenkan-Sen – Đường Chuyển đổi
Tenkan-Sen – Đường Chuyển đổi

Kijun-Sen – Đường Cơ sở

Đường Kijun-Sen được thể hiện bằng đường màu đỏ trên chart

Kijun-Sen = (High + Low)/2, Chu kỳ 26

Mỗi giá trị Kijun-Sen được tính bằng cách lấy trung bình cộng giản đơn của giá cao nhất (High) và giá thấp nhất (Low) của 26 phiên giao dịch trước đó, tính cả phiên giao dịch hiện tại.

Kijun-Sen – Đường Cơ sở
Kijun-Sen – Đường Cơ sở

Chikou-Span – Đường trễ

Chikou-Span được thể hiện bằng đường màu xanh lá trên chart.

Chikou-Span = Close (phiên hiện tại), lùi về trước 26 phiên

Các giá trị của đường Chikou-Span chính là giá đóng cửa (Close) của phiên giao dịch hiện tại, vẽ lùi về trước (quá khứ) 26 phiên.

Chikou-Span – Đường trễ
Chikou-Span – Đường trễ

Đường Senkou Span A (Lead 1)

Senkou-Span A được thể hiện bằng đường màu cam trên chart.

Senkou-Span A = (Kijun-Sen + Tenkan-Sen)/2, tiến về trước 26 phiên

Giá trị của Senkou-Span A chính là trung bình cộng giản đơn của Kijun-Sen và Tenkan-Sen. Nhưng trên đồ thị, các giá trị này được vẽ tiến về phía trước 26 phiên giao dịch (trong tương lai).

Đường Senkou Span A (Lead 1)
Đường Senkou Span A (Lead 1)

Đường Senkou Span B (Lead 2)

Senkou-Span B được thể hiện bằng đường màu xám trên chart.

Senkou-Span B = (High + Low)/2, chu kỳ 52, tiến về trước 26 phiên

Các giá trị của Đường dẫn B được tính tương tự như Kijun-Sen và Tenkan-Sen nhưng với chu kỳ dài hơn 52, và đường Senkou-Span B cũng được dịch về phía trước 26 phiên như Senkou-Span A.

Đường Senkou Span B (Lead 2)
Đường Senkou Span B (Lead 2)

Mặc định ban đầu, Ichimoku Cloud sẽ tính toán theo các thông số ban đầu là 9, 26, 52, 26:

  • Bạn có thể thay đổi thông số của chỉ báo này bằng cách click vào logo bánh xe ở bước 1.
  • Điều chỉnh để tăng độ nhạy (giảm chu kỳ xuống ngắn hơn) hoặc giảm độ nhạy (tăng chu kỳ lên dài hơn) bằng cách tăng hay giảm chiều dài ở bước 2.
  • Điều chỉnh thay đổi màu sắc, độ đậm nhạt của chỉ báo ở bước 3.
Điều chỉnh thông số chỉ báo
Điều chỉnh thông số chỉ báo

⇒ Bên cạnh đó, một điều chúng ta cần lưu ý là thông thường các thông số mặc định đã được nghiên cứu kỹ và được đa số các trader dùng. Nếu bạn muốn đổi một thông số khác thì nên dành thêm thời gian để kiểm tra chiến lược của mình trước khi bắt đầu dùng nó để giao dịch thật sự nhé!

Ý nghĩa của đám mây Ichimoku

Ichimoku Cloud là một hệ thống nhận dạng xu hướng dựa trên đường trung bình động (Moving Average). Biểu đồ sử dụng chỉ báo Ichimoku chứa nhiều dữ liệu hơn so với một biểu đồ thông thường. Chính vì thế nó giúp chúng ta nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh hơn về hành động giá.

Trong phân tích kỹ thuật, Ichimoku hoạt động tốt nhất với vai trò là chỉ báo xác định xu hướng vì đa số các thành phần được tính toán bởi các công thức trung bình cộng. Và như bạn biết, chỉ báo đơn giản Moving Average (MA) hoạt động rất tốt trong việc xác định xu hướng của thị trường.

Ichimoku còn có thể phát huy tác dụng trong việc thể hiện các mức hỗ trợ, kháng cự, động lượng của xu hướng và cung cấp tín hiệu vào/ra lệnh chính xác hơn nhiều các chỉ báo riêng lẻ.

Chính vì lý do đó mà đám mây Ichimoku được xem là một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh, các bạn không cần phải sử dụng thêm bất kỳ một công cụ nào khác.

Nhận biết xu hướng

  • Giá nằm trên Ichimoku: thị trường đang trong xu hướng tăng.
  • Giá nằm dưới Ichimoku: thị trường đang trong xu hướng giảm.
  • Trong giai đoạn thị trường đi ngang, giá sẽ cắt Kijun-Sen và Tenkan Sen liên tục.

Các mức hỗ trợ, kháng cự

Một trong những chức năng chính của hệ thống Ichimoku chính là xác định các mức hỗ trợ, kháng cự của giá. Và tất cả các đường của chỉ báo này đều có thể thực hiện chức năng đó.

  • Trong xu hướng tăng, các đường này đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh.
  • Trong xu hướng giảm, các đường này đóng vai trò là ngưỡng kháng cự mạnh.
Các đường xu hướng chỉ báo
Các đường xu hướng chỉ báo

Hướng dẫn sử dụng Ichimoku để giao dịch hiệu quả

Ở phần này, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng chỉ báo Ichimoku hiệu quả thông qua 4 tín hiệu giao dịch.

Tín hiệu giao cắt giữa Kijun-Sen và Tenkan-Sen

Vị trí giữa 2 đường Tenkan-Sen và Kijun-Sen cung cấp các tín hiệu về xu hướng hiện tại của thị trường.

  • Tenkan-Sen nằm trên Kijun-Sen thì thị trường đang trong xu hướng tăng => Buy.

  • Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen thì thị trường đang trong xu hướng giảm => Sell.
Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen
Tenkan-Sen nằm dưới Kijun-Sen

Tín hiệu giao cắt giữa đường Chikou-Span với đường giá

Khi 2 đường này cắt nhau sẽ cung cấp các tín hiệu vào lệnh.

  • Chikou-Span cắt giá từ dưới lên thì thị trường đang trong xu hướng tăng => Buy.
Chikou-Span cắt giá từ dưới lên
Chikou-Span cắt giá từ dưới lên
  • Chikou-Span cắt giá từ trên xuống thì thị trường đang trong xu hướng giảm => Sell.
Chikou-Span cắt giá từ trên xuống
Chikou-Span cắt giá từ trên xuống

Tín hiệu giao cắt giữa Senkou-Span A và Senkou-Span B

Tín hiệu này còn được gọi là tín hiệu đổi màu mây Kumo:

  • Khi Senkou Span A cắt Senkou Span B từ dưới lên, mây Kumo đổi màu từ cam sang xanh thì thị trường đang trong xu hướng tăng => Buy.
Senkou Span A cắt Senkou Span B từ dưới lên
Senkou Span A cắt Senkou Span B từ dưới lên
  • Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống, mây Kumo đổi màu từ cam sang xám thì thị trường đang trong xu hướng giảm => Sell.
Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống
Khi Senkou-Span A cắt Senkou-Span B từ trên xuống

Lưu ý: đây là tín hiệu được tạo ra từ mây Kumo tương lai (phần mây đi trước giá), không phải mây Kumo hiện tại, song song với đường giá.

Tín hiệu giá breakout mây Kumo

Giá breakout mây Kumo khi nó đâm thủng mây, đóng cửa bên ngoài Kumo một cách rõ ràng và bắt đầu một xu hướng mới. Có 2 trường hợp có thể xảy ra:

  • Giá retest lại mây trước khi chính thức đi vào xu hướng mới.
  • Giá sẽ đâm thủng và đi lên/xuống thẳng mà không hề retest lại.

Đa số các trader đều chờ đợi đợt retest lại của giá rồi mới chính thức vào lệnh, nhưng điều này có thể giảm lợi nhuận tiềm năng nếu giá không retest.

Giao dịch breakout mây Kumo cũng cần thêm sự xác nhận của các tín hiệu củng cố xu hướng khác từ các thành phần còn lại của Ichimoku để xác suất giao dịch thành công cao hơn, hạn chế rủi ro hơn.

Cách giao dịch:

  • Nếu giá đâm thủng mây Kumo từ dưới lên và đóng cửa phía trên mây Kumo rõ ràng thì thị trường đang trong xu hướng tăng => Buy.
Thị trường đang trong xu hướng tăng
Thị trường đang trong xu hướng tăng
  • Nếu giá đâm thủng mây Kumo từ trên xuống và đóng cửa phía dưới mây Kumo rõ ràng thì thị trường đang trong xu hướng giảm => Sell.
Thị trường đang trong xu hướng giảm
Thị trường đang trong xu hướng giảm

05 lưu ý khi sử dụng chỉ báo Ichimoku

  • Mây dày sẽ khó break hơn mây mỏng => Đa phần là khi chạm giá sẽ bật lên.
  • Các đường đi ngang sẽ cho các mức hỗ trợ kháng cự mạnh hơn đường dốc.
  • Khi giá đi xa mây sẽ có xu hướng bị hút trở về.
  • Có thể kết hợp Ichimoku với mô hình nến hoặc một chỉ báo khác để tăng độ chính xác.
  • Ichimoku là một hệ thống giao dịch theo xu hướng nên thường có một độ trễ nhất định nên sẽ không có vụ bạn bắt những con sóng ngay đáy và chốt ngay đỉnh được.

Tổng kết

Vừa rồi mình đã giới thiệu với các bạn tất cả kiến thức về mây Ichimoku là gì và cách sử dụng Ichimoku hiệu quả cũng như phương pháp giao dịch với chỉ báo này.

Khi sử dụng chưa quen bạn nên tắt bớt để luyện tập từng đường riêng lẻ. Khi sử dụng riêng lẻ thành thục rồi bạn hãy kết hợp chúng lại với nhau và tìm ra phương pháp hiệu quả cho riêng mình.

Series học tập này dành cho các bạn vừa mới bắt đầu tìm hiểu về Ichimoku cũng như phân tích kỹ thuật có thể dễ dàng đọc hiểu và ghi nhớ.

Và để có thể cập nhật những tin tức mới nhất, các phân tích nâng cao về thị trường hiện tại, hãy cùng tham gia cộng đồng Wolf Capital nhé. Chúc anh em thành công!

Để Lại Phản Hồi

  • Rating